Bệnh viện Bãi Cháy tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore"

  • 2020/12/04 08:13

Ngày 2/12, Thực hiện Công văn số 6501/BYT-KCB ngày 24/11/20202 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh Withmore, Bệnh viện Bãi Cháy tổ chức Tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore” cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện.


Toàn cảnh lớp tập huấn

 Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Loại vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. 

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính,...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ở Việt Nam, khoảng thời gian mưa lũ liên tiếp ở miền Trung đã xuất hiện các trường hợp mắc bệnh Withmore và dự báo ghi nhận thêm các ca mắc mới trong thời gian tới. Vì vậy, cùng với các đơn vị y tế trong tỉnh và trên cả nước, Bệnh viện Bãi Cháy đã tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore” để bổ sung kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị căn bệnh này cho các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện.




Bác sĩ CKI. Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ kinh nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh Withmore

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được cập nhật kiến thức mới về con đường lây truyền, các biểu hiện lâm sàng, phương thức chẩn đoán, phác đồ điều trị kháng sinh đặc hiệu, cách phòng ngừa bệnh withmore lây lan trong cộng đồng.

Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cụ thể:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm ruộng, trước khi ăn.

Thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt là những nơi ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các nước ao hồ, sống tại/gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng bảo hộ (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm nước và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch…cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B.pseudomallei và điều trị kịp thời.

Mạc Thảo – Phạm Công Đức