Cảnh giác với bệnh đau đầu mùa lạnh

  • 2024/01/04 01:41

Những cơn đau đầu, đau nửa đầu từ nhẹ đến dữ dội thường xảy ra khi nền nhiệt hạ thấp, thời tiết lạnh sâu. Vì quan niệm đây là chứng bệnh thường gặp nên rất ít người tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa khiến bệnh ngày một nặng thêm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não, đe doạ tính mạng khó lường.

Đau đầu xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thường những cơn đau bất ngờ hay xảy ra khi trời lạnh buốt có thể do thể trạng yếu, cơ thể không bắt kịp với sự thay đổi của thời tiết khiến cho máu lên não không điều độ và gây ra đau đầu vào mùa lạnh. 


Đặc biệt trong mùa lạnh, nhiều người bị đau đầu không nên tự ý ra ngoài hiệu thuốc để mua thuốc điều trị bệnh mà cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán tình trạng bệnh và kê đơn cho phù hợp

Đau đầu khi trời lạnh thường xảy ra do nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày hoặc đêm hay thời tiết nóng – lạnh thất thường kéo theo những cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng. Khi đó, người bị đau đầu thường rơi vào chứng mất ngủ kéo dài triền miên, và càng mất ngủ thì người bệnh càng rơi vào trạng thái đau đầu, đau nửa đầu dai dẳng. Đặc biệt là những người đang làm công việc “bàn giấy”, văn phòng, những cơn đau đầu lúc dữ dội, lúc âm ỉ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, vật vờ, choáng váng, làm mất tập trung và giảm năng suất làm việc rõ rệt.

Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Neurology (Mỹ), nhiệt độ giảm khiến nhiều người phải cấp cứu vì đau đầu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, với mức giảm nhiệt khoảng 5-7 độ C thì tỉ lệ người đau đầu phải nhập viện có thể tăng lên 7,5%. Trong nhiều trường hợp, đau đầu có thể là biểu hiện ban đầu của nhiều chứng bệnh nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp đau đầu thông thường với những biểu hiện triệu chứng như căng thẳng do áp lực, tâm lí…thì sau khi nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ một giấc dậy sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên một số trường hợp dẫn đến nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là những trường hợp đau đầu dữ dội, đột ngột, đau đầu kèm theo liệt các cơ vùng mặt, giảm, mất vận động ở tay, chân; đau đầu kèm rối loạn ý thức, hoặc kèm theo buồn nôn, nôn, choáng váng. Hoặc những trường hợp đau đầu kèm theo tăng huyết áp, sốt, nôn, cổ cứng, co giật kèm theo. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế ngay để chúng ta thăm khám, xác định rõ nguyên nhân của bệnh để có thể can thiệp sớm và điều trị kịp thời.

Đau đầu khi trời trở lạnh thường có điểm chung là những cơn đau âm ỉ, tê buốt hoặc đau dữ dội, choáng váng, lan xuống cả hốc mắt, mũi…Hiện nay có nhiều cách để điều trị bệnh đau đầu tuỳ theo nguyên nhân và tình trạng bệnh. Đau đầu chia thành 2 nhóm là đau đầu tiên phát với các bệnh đau đầu do căng thẳng, đau đầu chuỗi, và những đau đầu thứ phát do các khối trong não, chấn thương sọ não, đột quỵ hay những bệnh lý khác.

 Tuỳ theo từng nguyên nhân sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp. Với những trường hợp đau đầu tiên phát có thể điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường hoặc giảm đau thần kinh kết hợp với những thuốc chống trầm cảm, lo âu, xoa bóp bấm huyệt, thư giãn hoặc có chế độ nghỉ ngơi ăn uống hợp lý sẽ giúp những cơn đau đầu này nhanh chóng ổn định. Còn đau đầu thứ phát, tuỳ theo từng căn nguyên có thể điều trị nội khoa hoặc can thiệp nội khoa, phẫu thuật thần kinh để loại bỏ những nguyên nhân đó thì mới loại bỏ được triệu chứng đau đầu.

Mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc khi trời trở lạnh, số lượng người đến khám chuyên khoa thần kinh vì đau đầu tăng lên rõ rệt trong đó chủ yếu là người lớn và tỉ lệ phụ nữ thường nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số người “cam chịu" những cơn đau nhưng chưa đến khám còn đông hơn rất nhiều. Và để cắt cơn đau nhanh chóng, họ thường tìm đến các loại thuốc giảm đau dạng uống, không kê đơn như paracetamol, acetaminophen, aspirin…Những loại thuốc này có thể giảm nhanh cảm giác đau đầu nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách có thể khiến cơn đau đầu trở thành mạn tính. 

Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân. Đặc biệt trong mùa lạnh, nhiều người bị đau đầu không nên tự ý ra ngoài hiệu thuốc để mua thuốc điều trị bệnh mà cần đi khám bác sĩ tại cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán tình trạng bệnh và kê đơn cho phù hợp. Vì hiện nay có rất nhiều loại thuốc giảm đau nhưng lại có tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ đặc biệt là chức năng gan, thận. Nếu người bệnh tự ý dùng thuốc với liều lượng không phù hợp thì sẽ gây ra những bệnh lý khác cho cơ thể.

Những người thường xuyên bị huyết áp thấp hay cơ thể yếu dễ đau đầu vào mùa lạnh. Vì vậy, khi xuất hiện cơn đau đầu thì việc đầu tiên cần làm đó là nằm nghỉ ở những nơi thoáng mát và kê chân cao hơn đầu nhằm giúp cho máu lưu thông lên não tốt hơn. Tiếp theo, người bệnh nên uống một cốc trà gừng hoặc nước đường ấm và tiếp tục nằm nghỉ trong 15-20 phút để cơn đau đầu vào mùa lạnh chấm dứt. Không vội dùng thuốc giảm đau trong trường hợp hay đau đầu khi trời lạnh. Khi cơn đau đầu dai dẳng hoặc kèm theo dấu hiệu buồn nôn thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ về biện pháp phù hợp và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Tuy nhiên, thay vì có bệnh mới tìm cách chữa thì mọi người nên chủ động phòng tránh đau đầu khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết bằng cách cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của bản thân. Thực hiện lối sống lành mạnh với chế độ ăn đủ chất, bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin B1, B2, B6… rau xanh và hoa quả. Mỗi ngày, đặc biệt là những ngày lạnh cần uống đủ 2 lít nữa để điều hòa cơ thể.

Những người thể trạng yếu hay bị đau đầu khi trời lạnh cần tránh đi lại ở nơi đông người, nơi không khí ngột ngạt dễ dẫn đến tụt huyết áp và gây ra các cơn đau đầu. Nếu thường phải làm việc trong phòng kín, nên thường xuyên ra ngoài để hít thở không khí và nạp đủ lượng oxi cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra để hạn chế việc đau đầu vào mùa lạnh cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời nên tránh xa những thói quen xấu  như thức khuya, nhịn ăn, thường xuyên bị căng thẳng hay stress cũng là cách để hạn chế khởi phát các cơn đau đầu khi trời chuyển lạnh.

Mạc Thảo