Chậm phát triển chiều cao ở trẻ - cha mẹ nên làm gì?

  • 2023/12/04 07:21

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Đây không chỉ là một trong những bệnh lý thường gặp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như sức khoẻ của trẻ.

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân khiến cha mẹ lo ngại vì sự thấp lùn của con mình. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở “giai đoạn vàng” sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.


Theo nghiên cứu về các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ thì tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng. Bên cạnh đó, cũng có thể kể đến một vài nguyên nhân khác ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ như: Chậm tăng trưởng trong bào thai; Ảnh hưởng của các bệnh lý mãn tính (bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hoá hay các bệnh lý về gan, thận); Thiếu máu; Dinh dưỡng kém hoặc trẻ bị suy tuyến giáp.

Thông thường chiều cao bình thường của trẻ được tính như sau: Với trẻ mới sinh, chiều cao từ 48 – 52cm, trung bình là 50cm. Trong năm đầu đời của trẻ, bé sẽ tăng khoảng 20 – 25cm. Tuy nhiên, đến năm 1 – 4 tuổi thì chiều cao của trẻ tăng trung bình 10 – 12cm mỗi năm. Tương tự, từ năm trẻ 4 – 11 tuổi sẽ tăng trung bình 5 – 8cm mỗi năm. Đến tuổi dậy, sự tăng chiều cao của trẻ sẽ vượt bậc, ở trẻ gái tăng khoảng 6 – 10cm mỗi năm và trẻ trai tăng từ 6,5 – 11cm mỗi năm.

Bên cạnh các dấu hiệu nhận biết về mặt chiều cao, các chuyên gia y tế cũng chỉ ra một vài dấu hiệu thường gặp ở trẻ chậm phát triển chiều cao mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát được như: Trẻ thấp hơn các bạn cùng lớp, cùng độ tuổi; Trẻ thấp hơn anh chị em ruột ở cùng tuổi. Quần áo con mặc rất lâu chật và ngắn hoặc đối với trẻ trên 4 tuổi tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm <5cm/năm… nên cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng, nhi khoa để được tư vấn.

Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu của trẻ chưa tăng so với mức bình thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp hỗ trợ kịp thời. 

Khi các bậc phụ huynh thấy con mình có những dấu hiệu chậm phát triển chiều cao có thể đưa con đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám. Cũng như làm xét nghiệm, chụp X-quang để đánh giá nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt về chiều cao. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn kế hoạch can thiệp cho trẻ. 

Trẻ em có ba giai đoạn vàng, giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ở trong bụng mẹ, giai đoạn thứ hai là từ 0-3 tuổi, giai đoạn thứ ba là giai đoạn dậy thì. Ba giai đoạn này là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh về chiều cao. Vì vậy trong ba giai đoạn này người mẹ cần đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ. 

Thực tế nghiên cứu, các hoạt động thể lực làm tăng cường chuyển hoá hấp thu canxi giúp cho xương trở nên chắc khoẻ. Phụ huynh nên tạo cho trẻ một môi trường sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, khuyến khích con chơi các trò chơi các môn thể thao như bơi, bóng rổ, cầu lông giúp cho trẻ phát triển chiều cao...)

Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, đa phần các trường hợp chậm tăng trưởng ở trẻ đều có thể khắc phục được. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên nhân sẽ góp phần cải thiện đáng kể chiều cao cho trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần theo dõi và lưu giữ biểu đồ tăng trưởng của trẻ, nếu sự phát triển không đảm bảo cần đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Mạc Thảo