Phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết

  • 2023/01/18 08:34

Những năm gần đây, ngộ độc rượu công nghiệp methanol luôn có xu hướng gia tăng vào dịp Tết, nguyên nhân chính là do tiêu thụ các sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.


Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc Methanol.

Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia và ngộ độc rượu cũng cao hơn.

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong.

Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau:

Mức độ nhẹ: hưng phấn thần kinh, giảm khả năng tự kiềm chế bản thân, đi đứng loạng choạng…

Ngộ độc nặng: hôn mê, nôn nhiều, vã mồ hôi, thở yếu hoặc ngừng thở dẫn đến suy hô hấp, hạ huyết áp, mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, trụy mạch, hạ thân nhiệt, co giật,… có thể tử vong nếu không được cấp cứu.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.

3. Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc.

4. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu.

6. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.

 Minh Khương