Đồng hành cùng người bệnh: Bệnh viện Bãi Cháy tiên phong triển khai hỗ trợ tâm lý – xã hội
Trong những năm gần đây, chăm sóc sức khỏe không dừng lại ở điều trị bệnh lý mà còn hướng mở rộng chăm sóc toàn diện về thể chất và, tinh thần. Người bệnh khi nhập viện mang theo nhiều nỗi lo bệnh tật, gánh nặng tâm lý, tài chính, gia đình, công việc... Nếu không được quan tâm đúng mức, những áp lực này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị.
Xuất phát từ thực tiễn, cùng với việc thực hiện Thông tư số 51/2024/TT-BYT của Bộ Y tế về công tác xã hội trong cơ sở khám, chữa bệnh và Nghị định số 110/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Bệnh viện Bãi Cháy đã chính thức ban hành và triển khai Quy trình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh với mục tiêu đồng hành, lắng nghe, trợ giúp, kết nối, hướng tới một mô hình điều trị nhân văn, hiệu quả và bền vững.
Một số buổi tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy
Hoạt động hỗ trợ tâm lý, xã hội trong bệnh viện đóng vai trò làm giảm áp lực tinh thần quan trọng làm đối với người bệnh và gia đình, hỗ trợ người bệnh thích nghi với quá trình điều trị bệnh. Người bệnh nhập viện thường trải qua nhiều trạng thái cảm xúc tiêu cực: lo âu, hoang mang, sợ hãi, cô đơn, thậm chí là khủng hoảng tâm lý. Việc được hỗ trợ tâm lý kịp thời sẽ giúp người bệnh ổn định tinh thần, hợp tác điều trị tốt hơn và phục hồi nhanh hơn.
Nhân viên tổ công tác xã hội khảo sát sự hài lòng, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người bệnh
Hoạt động hỗ trợ tâm lý tăng cường kết nối giữa người bệnh – nhân viên y tế – cộng đồng, giúp tạo lập mối quan hệ tin tưởng giữa người bệnh và đội ngũ y tế. Thông qua đó, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò như một cầu nối thông tin, giúp giảm thiểu xung đột, nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện trải nghiệm người bệnh.
Ngoài yếu tố tâm lý, người bệnh còn đối mặt với những khó khăn về tài chính, công việc, môi trường sống, chăm sóc gia đình... Công tác xã hội sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội đi kèm bệnh tật như: hỗ trợ người bệnh tìm kiếm giải pháp, kết nối nguồn lực phù hợp (các tổ chức thiện nguyện, dịch vụ xã hội, chuyên gia tâm lý, hỗ trợ tài chính…).
Hoạt động hỗ trợ tâm lý – xã hội áp dụng cho các đối tượng gồm: người bệnh đang điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại viện, người nhà người bệnh trong tình huống khủng hoảng, những trường hợp có nguy cơ sang chấn tâm lý, gặp khó khăn tài chính, hoàn cảnh gia đình phức tạp hoặc cần trợ giúp trong quá trình điều trị. Hoạt động này được triển khai theo 2 phương thức: thụ động (tiếp nhận từ đơn đề nghị của khoa) và chủ động (Nhân viên CTXH tự phát hiện qua đi buồng, trao đổi nội bộ, quan sát thực tế).
Trong thời gian tới, Bệnh viện Bãi Cháy sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ tâm lý – xã hội hướng tới mô hình chăm sóc toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm. Bệnh viện sẽ mở rộng đội ngũ nhân viên công tác xã hội có chuyên môn về tâm lý, tăng cường phối hợp liên ngành để xây dựng mạng lưới hỗ trợ đa chiều, kết nối hiệu quả giữa người bệnh, gia đình và đội ngũ y tế. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nội bộ, nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức và người bệnh về vai trò quan trọng của hỗ trợ tâm lý trong điều trị. Định hướng lâu dài là tích hợp công tác hỗ trợ tâm lý như một phần không thể tách rời trong quá trình khám chữa bệnh, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và nâng cao sự hài lòng của người bệnh tại bệnh viện.
Việc triển khai quy trình hỗ trợ tâm lý – xã hội cho người bệnh là minh chứng cho nỗ lực hướng tới người bệnh trong hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện Bãi Cháy. Đây không chỉ là bước tiến trong công tác xã hội y tế mà còn là hành trình nhân văn - nơi mỗi người bệnh đều được lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Bãi Cháy.
Dương Huy, Mạc Thảo