Hiệu quả điều trị bảo tồn nội tạng với phương pháp can thiệp nút mạch tại Bệnh viện Bãi Cháy

  • 2019/10/30 08:28

Bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, không phải trải qua các cuộc đại phẫu nặng nề tiềm ẩn nhiều tai biến nguy hiểm, bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng... Đó là ưu điểm vượt trội của phương pháp can thiệp nút mạch trong điều trị khối u, ung thư, chấn thương nội tạng… đang được ứng dụng tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Thời gian gần đây, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang Can thiệp Bệnh viện Bãi Cháy vừa thực hiện kỹ thuật nút mạch kết hợp đốt u gan bằng vi sóng cho bệnh nhân Nguyễn X H. Với khối u gan có kích thước 30x43mm, mục tiêu của ca nút mạch lần này là làm bơm hóa chất làm tắc mạch cấp máu nuôi dưỡng khối u, làm cho khối u gan bị thiếu máu, hoại tử hoặc teo dần. Cùng với đó, việc kết hợp đốt u bằng vi sóng sẽ tiêu diệt khối u một cách hiệu quả, triệt để. 

“Trước khi có các phương pháp can thiệp tối thiểu như nút mạch, đốt u gan bằng sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng ... các bệnh nhân có khối u gan như ông Nguyễn X H sẽ phải trải qua ít nhất một đại phẫu cắt gan với tiêu chuẩn chặt chẽ như: một bên gan lành phải phì đại đủ lớn để tránh tình trạng suy gan và tử vong sau phẫu thuật... Quá trình phẫu thuật cắt gan kéo dài nhiều giờ đồng hồ, tiềm ẩn nhiều biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh liên quan đến phẫu thuật và liên quan đến gây mê như chảy máu, mất máu, quá trình phục hồi sau phẫu thuật lên tới hàng tháng kéo theo chi phí điều trị, chi phí nằm viện rất tốn kém”. – Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng – Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết. 


Nút mạch u gan trên dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA tại Bệnh viện Bãi Cháy

Trường hợp khác là Trịnh Thị L (49 tuổi, Hải Hà, Quảng Ninh) được chẩn đoán có khối u cơ mạch thận (AML) lớn kích thước 8,3x6,4 cm. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa và quyết định thực hiện can thiệp nút mạch thay vì phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ca can thiệp diễn ra trong 1h do kíp Điện Quang Can thiệp - Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, cơn đau mỏi giảm rõ rệt, có thể đi lại bình thường.

Với khối các u cơ mỡ mạch thận có kích thước lớn trên 4 cm, việc loại bỏ khối u là cần thiết để tránh cho bệnh nhân những nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như vỡ u, chảy máu, đái ra máu ồ ạt… Do u có nhiều búi mạch máu dị dạng và nguồn cấp máu cho u rất phức tạp, tổ chức cơ, mỡ đè lên các cấu trúc xung quanh nên vấn đề bóc tách u gây thách thức lớn cho các phẫu thuật viên. Bệnh nhân thường sẽ đối diện với nguy cơ cắt bỏ một phần nhu mô thận lành hoặc cắt toàn bộ một bên thận. 


Hình ảnh khối u cơ mỡ mạch thận trước và sau khi can thiệp nút mạch

Tuy nhiên, trong can thiệp nút mạch u cơ mỡ mạch thận, bác sĩ điện quang can thiệp sẽ sử dụng hóa chất làm tắc mạch máu nuôi dưỡng khối u đồng thời bơm chất gây xơ vào trực tiếp trong khối u, làm cho tổ chức u bị xơ hóa, teo nhỏ lại, đào thải dần khỏi cơ thể. Các biến chứng nguy cơ như vỡ u, đái ra máu được kiểm soát hoàn toàn, giữ nguyên vẹn các tổ chức thận. Vì vậy, can thiệp nút mạch điều trị là lựa chọn ưu việt trong điều trị các khối u cơ mỡ mạch thận kích thước to hoặc u có biến chứng.

“Can thiệp nút mạch điều trị khối u, ung thư là phương pháp điều trị bảo tồn nội tạng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn này này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phẫu thuật thông thường như thời gian thực hiện ngắn – chỉ khoảng 45 phút, vết luồn dụng cụ can thiệp rất nhỏ (18G) chỉ tương đương như đầu kim lấy thuốc, không để lại sẹo, không gây chảy máu. Quá trình thủ thuật đảm bảo độ an toàn cao dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, bệnh nhân tỉnh táo và phục hồi nhanh sau 24 can thiệp” – Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng cho biết.

Hiện nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã đẩy mạnh ứng dụng can thiệp nút mạch trong điều trị hàng trăm ca bệnh u gan, u xơ tiền liệt tuyến, u xơ tử tử cung…mỗi năm. Phương pháp này còn phát huy hiệu quả đặc biệt trong điều trị chấn thương nội tạng ở gan, thận, lá lách do các tai nạn khác nhau. 

“Với những tổn thương này, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong. Việc chỉ định mổ cấp cứu xử lý chấn thương nội tạng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, thời gian phục hồi kéo dài…Tuy nhiên, với can thiệp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách… nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…” – Bác sĩ CKI Lê Tiến Hưng cho biết thêm.

Như vậy, ứng dụng can thiệp nút mạch trong điều trị khối u, ung thư, chấn thương nội tạng không chỉ điều trị hiệu quả các ca bệnh hiểm nghèo, phức tạp ngay tại địa phương mà còn giúp tiết kiệm chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Mạc Thảo - Đình Hải