Hiến tặng mô, tạng để những giá trị nhân văn luôn còn mãi
“Khi chết đi mọi thứ đều về với cát bụi, thân xác theo thời gian sẽ không còn nguyên vẹn. Bởi vậy nếu có thể thì hãy trao lại trái tim, lá gan, quả thận… của mình cho những người khác để giúp kéo dài sự sống, như vậy giá trị nhân văn sẽ luôn còn mãi…”.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề hiến tặng mô, tạng đang được nhiều người quan tâm.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, điều giá trị nhất đối với một con người chính là sự sống, mà ghép tạng là để kéo dài sự sống, nên việc hiến tặng mô, tạng mang giá trị nhân văn, nhân đạo rất lớn. Không chỉ vậy, nhìn ở một góc độ nào đó, người cho mô, tạng dù đã chết đi nhưng giá trị họ để lại vẫn luôn sống mãi, không phải vì trái tim hay lá gan của họ đang được sống trong một cơ thể mới, mà họ sống mãi vì những giá trị mà họ đã tạo nên.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho hay, từ xa xưa rất nhiều người Việt có quan niệm khi chết thì muốn được toàn thây, dù thân xác sau khi chết sẽ được hỏa thiêu hay chôn cất. Quan niệm này đến nay vẫn đang níu kéo nhiều người, đó có thể là một trong những lý do khiến không ít người còn băn khoăn về việc hiến tặng mô, tạng.
"Xưa kia, chết không toàn thây là biểu hiện của sự tội lỗi. Khi một người có tội thì thường sẽ không được chết toàn thây... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, xã hội đã thay đổi, y học đã phát triển, mọi người cần xóa bỏ quan điểm đó. Vì khi chết đi mọi thứ đều sẽ về với cát bụi, thân xác dần sẽ không còn nguyên vẹn, nên nếu có thể thì hãy trao lại trái tim, lá gan, quả thận… của mình cho những người khác để giúp họ kéo dài sự sống, như vậy giá trị nhân văn sẽ còn mãi… Đó chính là đạo đức của một con người, mang giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Chuyên gia văn hóa cho rằng, để người dân hiểu được giá trị của việc hiến tặng mô, tạng thì cần "giác ngộ" họ bằng cách giáo dục, tuyên truyền. Phải làm sao để mọi người hiểu được bản thân chết đi nhưng vẫn giúp ích được cho đời, vẫn giúp kéo dài được sinh mệnh cho nhiều người khác. Đó chính là cái chết không vô nghĩa.
"Cần làm mới giá trị, cần giúp mọi người hiểu được giá trị của việc hiến tặng mô, tạng cứu người. Cần chuyển biến, đổi mới giá trị nhận thức sao cho phù hợp với thời đại mới. Vì chỉ có thời đại này mới có thể làm được, xưa kia khi y học chưa phát triển, nếu có hiến thân cho người khác thì cũng chỉ có thể là chết cho người khác mà thôi", nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển nhận định.
Làm gì để tăng cường việc hiến tặng mô, tạng từ người cho chết não?
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, để nguồn hiến tặng mô, tạng ngày một nhiều lên, cần có những chính sách cụ thể và cởi mở cho người hiến tặng mô, tạng cũng như gia đình của họ. Đơn giản nhất có thể là việc tôn vinh người hiến tặng mô, tạng bằng các phương tiện truyền thông hoặc thông qua các tổ chức xã hội như hội chữ thập đỏ, hội người cao tuổi, hội thanh thiếu niên… Hoặc cũng có thể giúp gia đình của người hiến tặng mô, tạng được hưởng chính sách đặc biệt của xã hội.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ cho gia đình của người hiến tặng mô, tạng như hỗ trợ về y tế, giáo dục… cho con của người hiến tặng mô, tạng; hay hỗ trợ cho cha mẹ già không còn ai chăm sóc, phụng dưỡng của người hiến tặng mô, tạng bằng các phúc lợi xã hội, hoặc thậm chí là bằng vật chất.
"Những người được nhận mô, tạng cũng cần có những hành động đẹp đối với gia đình người hiến bằng cả tấm lòng. Nếu được gia đình người hiến tặng mô, tạng cho biết thông tin thì có thể thường xuyên lui tới chăm sóc cho gia đình người hiến tặng mô, tạng để an ủi, động viên những thành viên trong gia đình… Hoặc bù đắp cho gia đình người hiến tặng mô, tạng bằng một khoản kinh phí nào đó phù hợp. Cần nhìn sự bù đắp này dưới "con mắt" của nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn chứ không phải là trả tiền để mua mô, tạng của người đã chết não", PGS.TS Lê Quý Đức cho hay.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh, để nguồn mô, tạng ngày một nhiều hơn thì việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân là rất quan trọng. Vì vậy cần giáo dục, truyền thông để người dân hiểu đúng về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng. Nếu truyền thông tốt, người dân hiểu đúng thì việc hiến tặng mô, tạng sẽ ngày càng thuận lợi, từ đó giúp mang lại cuộc sống mới cho nhiều bệnh nhân.
Theo SKĐS