Lý do tỷ lệ người bệnh ung thư vú ở nước ta phát hiện sớm tăng lên 75%

  • 2024/03/07 01:16

Theo thống kê của Bệnh viện K, trước đây 70-75% bệnh nhân nữ phát hiện và điều trị ung thư vú muộn, tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đến nay số chị em phụ nữ đến khám, điều trị, phát hiện sớm bệnh này đã đạt trên 75%...

Thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 – 2025" do Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam và Roche tổ chức chiều 5/3.


PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh: Đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao" với mục tiêu giúp bệnh nhân ung thư vú có cơ hội được tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến thông qua mô hình tiếp cận toàn diện.

Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư vú trẻ hoá

Theo một số nghiên cứu cho thấy những năm trước đây, khi nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư vú còn hạn chế, chỉ 30% người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Nhằm giải quyết vấn đề này, một trong bốn mục tiêu của đề án đặt ra là nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm cải thiện tỉ lệ tầm soát sớm cho người có nguy cơ cao mắc ung thư vú, phát triển dựa trên chiến dịch "We Care for HER" được thực hiện từ năm 2013. Đến năm 2023, số liệu của bệnh viện K cho thấy tỉ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm đã tăng lên hơn 75%…

Phát biểu tại hội nghị, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh: Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Theo Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%. 

Ở nước ta, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

Thế nhưng theo TS Khoa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều điểm cần tiếp tục cải thiện như nhiều năm trở lại đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một số phụ nữ, không đi khám sàng lọc định kỳ để được phát hiện sớm nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.


Quang cảnh hội nghị.
Thêm nữa, ngày càng nhiều liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến được phát minh nhưng nhiều người bệnh chưa tiếp cận được do nhiều yếu tố như thuốc chưa có tại Việt Nam hoặc chưa được chi trả bảo hiểm. "Vì vậy, Bộ Y tế rất ủng hộ các đề án hướng tới giải quyết các vấn đề chuyên biệt và toàn diện cho bệnh lý ung thư như đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 – 2025" do Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế và Roche đồng thực hiện"- TS Khoa nhấn mạnh.

Đề án được triển khai tại các bệnh viện: K, Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội, Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy, Viện Ung thư quốc gia và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao" với mục tiêu giúp bệnh nhân ung thư vú có cơ hội được tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến thông qua mô hình tiếp cận toàn diện, đề án được xây dựng với 4 cấu phần với sự tham gia của nhiều đối tác liên quan.

Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng biết đây là đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn. Đề án đã đạt được nhiều kết quả ngoạn mục ở cả bốn mục tiêu chính nhờ tinh thần hợp tác, nỗ lực tất cả vì người bệnh của đội ngũ y bác sĩ và các đối tác tham gia. 

Báo cáo tổng kết hơn nửa chặng đường tại hội nghị cho thấy, đề án ghi nhận nhiều kết quả quan trọng trong cải thiện công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý ung thư vú tại Việt Nam. Hàng trăm y bác sĩ đã được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn cho điều trị đa mô thức cho bệnh lý ung thư vú và tăng cường năng lực nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện…


Thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc và một số thuốc điều trị ung thư vú 

Nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận của bệnh nhân ung thư vú có HER2 dương tính với các liệu pháp điều trị tiên tiến, Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cùng với chuyên gia của các trường Đại học Dược Hà Nội, Y tế công cộng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế hoàn thành 11 nghiên cứu về kinh tế y tế, bao gồm các nghiên cứu tổng quan về chính sách chi trả cho tầm soát và điều trị ung thư vú ở các nước, nghiên cứu đánh giá chi phí hiệu quả và tác động ngân sách của một số thuốc điều trị ung thư vú. 

Cũng từ các nghiên cứu này, Tổng hội Y học Việt nam và Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng đã đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu phương án chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư vú cho những người có nguy cơ cao, cũng như chi trả BHYT cho một số thuốc điều trị ung thư vú để giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Cùng đó một chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú sử dụng thuốc miễn phí cũng đã được triển khai. Chương trình được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện tại 18 bệnh viện và tính đến hết tháng 12/2023, đã có 431 bệnh nhân được hỗ trợ thuốc miễn phí với tổng số tiền hơn 67 tỷ đồng.


Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc và một số thuốc điều trị ung thư vú.

Đáng chú ý nhằm tạo ra hiệu quả bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Hai nghiên cứu "Bản đồ dịch tễ các bệnh ung thư và đánh giá chi phí của các giải pháp điều trị ung thư giai đoạn 2018 – 2020" và "Đặc điểm dịch tễ học và chi phí điều trị của bệnh ung thư vú tại Việt Nam" đã được hoàn thành. Viện Ung thư Quốc gia đã xây dựng được bộ tiêu chí ghi nhận ung thư vú. 

"Báo cáo hoạt động ghi nhận ung thư vú tại bệnh viện" đã được thực hiện tại 6 bệnh viện. Khi các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí được sử dụng để ghi nhận trực tiếp trên hệ thống thông tin của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội, dữ liệu có thể được trích xuất nhanh chóng, đầy đủ và giảm việc phải tổng hợp thủ công, góp phần quan trọng vào công tác quản lý và dự báo ung thư tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn của cơ quan BHXH Việt Nam, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam nhấn mạnh đánh giá cao sự hợp tác của Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Ung thư quốc gia và các đơn vị khác với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện các nghiên cứu về tình hình ung thư, xây dựng các tiêu chí để triển khai việc ghi nhận bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư vú nói riêng tại các cơ sở điều trị ung thư trên toàn quốc.

"Nhiều số liệu dịch tễ có giá trị về bệnh ung thư, giúp cho các nhà quản lý có được cái nhìn tổng thể về căn bệnh này và từ đó, có thể đưa ra các chính sách phù hợp, giúp bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, tiếp cận với điều trị chuẩn, giảm gánh nặng cả về bệnh tật và chi phí cho quỹ BHYT cũng như cho bản thân gia đình người bệnh"- ông Phúc nhấn mạnh.

Theo SKĐS