Bệnh viện Bãi Cháy: Phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ bị giảm tiểu cầu nguy kịch

  • 2023/12/08 07:00

Các bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ bị giảm tiểu cầu mức độ nặng, kèm theo vết mổ đẻ cũ, có nguy cơ xuất huyết nặng khi sinh đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.

Sản phụ L.T.N (26 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) mang thai lần 2, vào viện trong tình trạng: chuyển dạ đẻ ở thai tuần thứ 39 vết mổ đẻ cũ. Trước đó, trong quá trình mang thai sản phụ từng có dấu hiệu bầm tím chân tay, chảy máu chân răng trong thai kỳ. Tuy nhiên sản phụ chủ quan nghĩ rằng bản thân vô tình bị va đập chấn thương hoặc nóng trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu (PLT) khi vào viện của bệnh nhân giảm thấp chỉ còn 60,1 G/L máu (chỉ số PLT bình thường dao động trong mức 150-450 G/L máu). Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn xác định tình trạng sản phụ: chuyển dạ đẻ lần 2, thai 39 tuần, ngôi đầu/ giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân / Vết mổ đẻ cũ. 


Bác sĩ CKI Tô Thị Kim Quy - Trưởng Khoa Sản, bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho sản phụ bị giảm tiểu cầu sau phẫu thuật

Tiểu cầu là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình đông máu. Nếu tiểu cầu giảm quá thấp sẽ gây tình trạng máu khó đông, xuất huyết khó cầm, đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân có kèm chấn thương hoặc cần làm các thủ thuật, phẫu thuật. Sẹo mổ đẻ cũ trên cơ tử cung có thể gây vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ, rặn đẻ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trường hợp của bệnh nhân L.T.N càng đặc biệt nguy hiểm sau khi sinh, kể cả sinh thường hoặc sinh mổ bởi thông thường sau sinh, tử cung sẽ co chặt, kèm theo máu đông bít kín các mạch máu giúp cầm máu cho sản phụ. Nhưng khi tiểu cầu giảm quá thấp, sau sinh sản phụ sẽ có nguy cơ băng huyết chảy máu ồ ạt không cầm, đe dọa trực tiếp tính mạng sản phụ. 

Nhận diện những nguy cơ nguy hiểm đe dọa tính mạng sản phụ và thai nhi, bác sĩ Tô Thị Kim Quy, trưởng tua trực khoa Phụ sản đã ngay lập tức hội chẩn với bác sĩ khoa Huyết học truyền máu, huy động gấp 3 đơn vị tiểu cầu truyền cho bệnh nhân, ổn định số lượng tiểu cầu và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật lấy thai. 

Ca phẫu thuật do Bác sĩ CKI Tô Thị Kim Quy - Trưởng Khoa Sản, bệnh viện Bãi Cháy trực tiếp thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ thuộc chuyên khoa Sản – Gây mê hồi sức - Huyết học nhằm mục tiêu vừa kiểm soát tiểu cầu, huyết động ở ngưỡng an toàn, vừa kiểm soát các biến chứng băng huyết, chảy máu không cầm do giảm tiểu cầu. Sau 30 phút, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai thành công đón bé trai 3,1kg chào đời khỏe mạnh, sức khỏe của mẹ ổn định.

Sức khỏe của mẹ và bé ổn định sau phẫu thuật và tiếp tục nhận được chăm sóc, tư vấn của các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy

Bác sĩ Tô Thị Kim Quy - Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Bãi Cháy nhận định: “Giảm tiểu cầu ở phụ nữ mang thai khi bước vào quá trình vượt cạn, có thể khiến cho mẹ bị mất máu nghiêm trọng, rơi vào tình huống cực kỳ nguy hiểm. Đây là trường hợp sản phụ mang thai chuyển dạ có nguy cơ xuất huyết rất cao do giảm tiểu cầu vô căn (số lượng tiểu cầu lúc nhập viện chỉ đạt 60,1 G/L máu). Điều đáng nói là xét nghiệm thai kỳ 3 tháng đầu bình thường, bệnh nhân nhập viện chuyển dạ không có triệu lâm sàng điển hình. Nếu không được xét nghiệm phát hiện và truyền tiểu cầu trước và trong quá trình phẫu thuật kịp thời, sản phụ có thể bị xuất huyết nặng, chảy máu không cầm, phải tiến hành cắt tử cung cầm máu, có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ xuất hiện tình trạng chảy máu nhưng chúng tôi đã xử trí kiểm soát cầm máu ổn định, giữ được tử cung cho sản phụ, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con”.

Qua trường hợp sản phụ này, các bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo: Giảm tiểu cầu trong thai kỳ được chẩn đoán một cách đơn giản dựa vào số lượng tiểu cầu được định lượng trong công thức máu. Do vậy, phụ nữ mang thai cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín. Nếu có biểu hiện bất thường trong quá trình mang thai như bầm tím, xuất huyết trên da, chảy máu bất thường… cần lập tức đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời./.

Mạc Thảo, Minh Khương