Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối với thở máy không xâm nhập: giảm gánh nặng y tế, kéo dài sự sống cho người bệnh

  • 2021/12/23 04:58

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thường gặp tại Việt Nam và trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và gia đình người bệnh. Phương pháp thở máy không xâm nhập được Bệnh viện Bãi Cháy ưu tiên áp dụng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối đã giúp cải thiện triệu chứng, giảm thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong cho người bệnh.


Bác sĩ CKI. Phạm Thị Út Trang – Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân COPD

COPD là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới, xếp hàng thứ năm về gánh nặng bệnh tật. Theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh nhân phải điều trị kéo dài suốt đời bằng các phương pháp phòng ngừa, điều trị làm giảm các triệu chứng, làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Việc điều trị COPD tương đối khó khăn, đặc biệt với bệnh nhân cao tuổi ở giai đoạn nặng.

Mỗi năm, Khoa Hô Hấp Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong đó có khoảng 30% người bệnh COPD ở giai đoạn nặng phải điều trị bằng thở máy không xâm nhập. Triệu chứng điển hình của người mắc COPD là khò khè, khó thở khi gắng sức và ho khạc đờm mạn tính. Bệnh tiến triển nặng theo thời gian với những cơn cấp nặng ho, đàm mủ, suy hô hấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tim, ung thư phổi, thậm chí tử vong.

Thực tế cho thấy quá trình điều trị bằng thở máy không xâm nhập đã cải thiện đáng kể tình trạng nặng nề của các bệnh nhân COPD giai đoạn cuối.

Bệnh nhân Trương V B (sinh năm 1962, TP Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử COPD. Thời gian gần đây bệnh nhân bị ho đờm đục, khó thở tăng, đã thở oxy và dùng thuốc giãn phế quản tại nhà nhưng không đỡ. Thăm khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn nặng. Sau 5 ngày điều trị thở máy không xâm nhập BiPAP, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện, bớt mệt mỏi, khó thở,giảm tình trạng co kéo cơ hô hấp, chỉ số khí máu cải thiện.

 

 

Thở máy không xâm nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh COPD giai đoạn nặng

Đánh giá về lợi ích điều trị thở máy không xâm nhập với người bệnh COPD giai đoạn cuối, Bác sĩ CKI. Phạm Thị Út Trang (Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Thở máy không xâm nhập nhập BiPAP (Bilevel positive airway pressure) – áp lực dương hai thì, là phương pháp hỗ trợ ưu tiên cho những bệnh nhân COPD ở giai đoạn nặng với các biểu hiện khó thở vừa tới nặng, có co kéo cơ hô hấp,có toan hô hấp, tần số thở nhanh 25 lần/phút. 

Thở máy không xâm nhập có lợi ích to lớn trong điều trị tăng CO2 máu đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cải thiện triệu chứng, giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tăng CO2 máu. Qua đó giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc, giảm chi phí kinh tế cho gia đình người bệnh. Đặc biệt, thở máy không xâm nhập tại nhà cho những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tác dụng cải thiện triệu chứng rõ rệt, giảm tần số các đợt cấp, giảm tần suất nhập viện, cải thiện tỷ lệ tử vong.”

Để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân:

Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đây là những nguyên nhân gây phá hủy phổi, làm giảm sự đề kháng của phổi, làm tăng nguy cơ các bệnh lý về hô hấp và các bệnh viêm nhiễm khác. Đặc biệt, với người cao tuổi mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.

Người bệnh COPD cần thăm khám định kì, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập thể dục ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...

Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.

Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì lập tức đến cơ y tế khám và điều trị.

Mạc Thảo - Út Trang