Hưởng ứng Ngày đái tháo đường Thế giới năm 14-11-2023
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới. Tại Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh.
Hàng năm, ngày 14/11 được Liên Hợp Quốc thống
nhất lựa chọn là ngày Đái tháo đường thế giới – kỷ niệm ngày sinh của Frederick
Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra
Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân ĐTĐ vào năm 1922.
Liên đoàn đái tháo đường thế
giới (IDF) ước tính trên toàn cầu hiện có 450 triệu người mắc đái tháo đường
(ĐTD), trong đó 90% là ĐTD typ 2. Điều đáng lo ngại là có đến 212 triệu người
(gần 50%) là không được chẩn đoán ĐTD, nên họ sẽ chỉ được phát hiện bệnh ở giai
đoạn muộn, khi đã có các biến chứng như mù, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,
cắt cụt chân… và nguy cơ tử vong cao. Nhưng nếu họ được phát hiện sớm bệnh đái
tháo đường và thực hiện thay đổi lối sống cũng như được dùng thuốc thì có thể
ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng cấp và mạn tính.
Ngày đái tháo đường Thế giới năm 2023 với chủ đề "Tiếp
cận chăm sóc bệnh đái tháo đường" và thông điệp cụ thể "Hiểu
nguy cơ, Biết hành động" (Know your risk, Know your response) tập trung
vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ của bệnh đái tháo đường để giúp
phòng và trì hoãn bệnh tiến triển. Đồng thời nêu bật tác động của các
biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng như tầm quan trọng của việc
tiếp cận thông tin và chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời và quản lý
bệnh đái đường type 1, 2 và đái tháo đường thai kỳ, hướng tới nâng
cao chất lượng cuộc sống của những người đang chung sống cùng bệnh.
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, xảy ra
khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc khi cơ thể không sử dụng hiệu quả
insulin mà nó tạo ra. Điều này dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh ĐTĐ
gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng và
chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nếu bạn có nguy cơ hoặc đã mắc ĐTĐ, việc bạn cần làm là xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống hợp lí, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế hoặc ngay khi cảm thấy bất thường.
Minh Khương