Hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10

  • 2023/10/10 03:38

Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 10 tháng 10 để tổ chức các hoạt động truyền thông, với mục tiêu là tăng cường nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh tâm thần.

Chủ đề Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2023 là: “Tâm trí của chúng tôi, quyền của chúng tôi - Our minds, our rights”.

Sức khỏe tâm thần tốt là rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của chúng ta. Tuy nhiên, cứ 8 người trên toàn cầu thì có 1 người đang phải sống với các tình trạng sức khỏe tâm thần. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hạnh phúc của họ, cách họ kết nối với người khác và sinh kế của họ. Tình trạng sức khỏe tâm thần cũng đang ảnh hưởng đến ngày càng nhiều thanh thiếu niên và thanh niên.

Một nửa loại bệnh tâm thần khởi phát từ 14 tuổi nhưng hầu hết không được phát hiện và điều trị. Trầm cảm chiếm 1/3 nguyên nhân gây ra gánh nặng này của tuổi trẻ. Tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi từ 15 đến 29. Tác hại của bia rượu và các chất ma túy cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi nguy hiểm, không kiểm soát được bản thân. Khi gia đình phát hiện người có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khám, phát hiện bệnh, điều trị sớm, rút ngắn được thời gian điều trị và khả năng khỏi bệnh cao. Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, mức độ nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh cho đến các triệu chứng rối loạn tâm thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các biểu hiện như: nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung trong học tập và công việc. Có người buồn chán thiếu quan tâm đến xung quanh, xa lánh mọi người. Khi bệnh nặng hơn còn xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói mà xung quanh không có ai); ảo giác (người bệnh nhìn thấy nhiều người đuổi theo hoặc một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan).


Trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, việc giúp đỡ những người trẻ có kỹ năng sống để thích ứng với cuộc sống cần sự quan tâm hơn nữa của các bậc phu huynh, nhà trường và xã hội. Hỗ trợ tâm lý xã hội có thể được cung cấp trong trường học và các cơ sở cộng đồng. Đầu tư của chính phủ và sự tham gia của các tổ chức xã hội, y tế và giáo dục rất quan trọng. Sự đầu tư này cần có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao nhận thức giữa thanh thiếu niên và thanh niên về cách chăm sóc sức khỏe tâm thần và giúp cho phụ huynh, giáo viên hiểu cách hỗ trợ cho học sinh, con, em mình.

Tình trạng sức khỏe tâm thần không bao giờ được coi là lý do để tước bỏ quyền con người của một người hoặc loại họ ra khỏi các quyết định về sức khỏe của chính họ. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, những người mắc bệnh tâm thần vẫn tiếp tục phải hứng chịu nhiều vi phạm về nhân quyền. Nhiều người bị loại khỏi cuộc sống cộng đồng và bị phân biệt đối xử, trong khi nhiều người khác không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần hoặc chỉ có thể tiếp cận dịch vụ mà vi phạm nhân quyền của họ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về những gì có thể thực hiện được, để đảm bảo rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể tiếp tục sống với phẩm giá của họ. Vì vậy cộng đồng xã hội và gia đình cần: Hiểu biết về bệnh tâm thần và tích cực tham gia vào việc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh;  Phục hồi chức năng tâm lý xã hội thông qua giao tiếp tạo điều kiện cho người bệnh vui chơi giải trí với mọi người; Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh, không nên tranh luận với họ; Giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn và tạo cho người bệnh có việc làm phù hợp với khả năng của họ; Gia đình cần có thái độ xem người bệnh như những thành viên khác trong gia đình, không phân biệt đối xử; Cần chấp nhận những hành vi dị thường của người bệnh, cần tỏ rõ tình thương đối với người bệnh;  Cần kiên trì giúp đỡ người bệnh, không bi quan chán nản. Không nên cưỡng ép, giận dữ, nên dịu dàng hướng dẫn người bệnh trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong hướng dẫn thực hiện công việc hàng ngày.


Để phòng tránh bệnh tâm thần, mỗi chúng ta cần phòng, chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như các bệnh viêm não, màng não, nhiễm độc thần kinh như: nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông để tránh chấn thương sọ não. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái, lạc quan, hòa thuận trong mối quan hệ với mọi người trong gia đình và cộng đồng, tránh Stress… Làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục, giữ gìn vệ sinh để tăng cường sức khoẻ. Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa.

Minh Khương