Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2023

  • 2023/05/17 03:31

Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2023 lấy thông điệp: “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe”, mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.


Người bệnh đến khám và đo huyết áp tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Tăng huyết áp - “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp (THA) là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Đây được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì người bệnh THA không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. THA cũng là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, tử vong.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay Việt Nam ước tính có khoảng 12 triệu người mắc THA tại cộng đồng, tức là cứ khoảng 5 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) có một người mắc bệnh. Tuy nhiên số người được phát hiện và điều trị chưa cao. Vậy tăng huyết áp là gì? Biểu hiện của bệnh là gì? Cần làm gì để phòng bệnh?

Tăng huyết áp và biểu hiện của bệnh: Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là: đau nhức đầu vào sáng sớm; chảy máu cam; nhịp tim nhanh; thay đổi thị lực; ù tai. Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn mửa; lú lẫn; hồi hộp; đau tức ngực; run.

Nguyên nhân gây bệnh: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sợi dây liên kết giữa tăng huyết áp nguyên phát với một số yếu tố nguy cơ như sau:

Tuổi già: Khi cơ thể già đi theo thời gian, mạch máu cũng sẽ mất dần độ đàn hồi và dẫn đến nguy cơ cao huyết áp nguyên phát. Theo nghiên cứu, phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ bị tăng huyết áp nguyên phát nhiều hơn so với nam giới cùng nhóm tuổi.
Di truyền: Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, tăng huyết áp nguyên phát chỉ xuất hiện ở người trưởng thành nhưng trên thực tế, số trẻ em mắc căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Sở dĩ có hiện tượng tăng huyết áp nguyên phát ở người trẻ là do yếu tố tiền sử gia đình và yếu tố di truyền.

Đái tháo đường và béo phì: Lối sống không lành mạnh cộng với chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ít vận động đang làm gia tăng số lượng người mắc bệnh tiểu đường và béo phì. Hai căn bệnh này là nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát nói riêng và tăng huyết áp nói chung.

Tiêu thụ quá nhiều muối: Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, gần 1/3 số trường hợp bị tăng huyết áp nguyên phát có liên hệ mật thiết với tình trạng tiêu thụ quá nhiều muối. Muối làm tăng tình trạng giữ nước, dẫn đến tăng huyết áp.

Sử dụng quá nhiều rượu, bia và thuốc lá cũng làm gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
Cần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp?

Bệnh THA có thể được phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lý tưởng nếu như mỗi người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các chuyên gia y tế:

* Kiểm soát cân nặng của cơ thể: Luôn duy trì cân nặng lý tưởng, tránh bị thừa cân, béo phì.

* Chế độ ăn uống khoa học: Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực ăn nhiều rau xanh và trái cây. Giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.

* Luyện tập thường xuyên:

- Cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 - 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Việc luyện tập còn giúp tránh xa stress là một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao.

- Các hình thức tập luyện tốt cho sức khỏe có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao tùy vào sức khỏe của từng người

* Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.

Minh Khương