Hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5/2024”: Nhận thức và phòng tránh biến chứng bệnh lý tăng huyết áp
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. “Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5/2024” với chủ đề “Đo huyết áp đúng- Kiểm soát huyết áp tốt- Sống khỏe” với mục đích giúp người dân phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp và có biện pháp điều trị thích hợp.
Theo báo cáo năm 2019 về các gánh nặng y tế toàn cầu ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng huyết áp chính là yếu tố nguy cơ gây tử vong và tàn phế cao thuộc top đầu. Trên thế giới cứ 10 người trưởng thành thì có khoảng 3 người mắc bệnh Tăng huyết áp, tỷ lệ này tại Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 28,3%. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh rất lớn và tăng huyết áp gây ra hàng loạt những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận…. là nguyên nhân gây tử vong thuộc top đầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số lượng người biết về bệnh lại không cao (khoảng 50%), tỷ lệ người được điều trị và điều trị đạt hiệu quả vể các chỉ số đích lại càng thấp (khoảng 10%). Tăng huyết áp còn được ví như kẻ giết người thầm lặng.
Bệnh tăng huyết áp là khi huyết áp lúc nghỉ ngơi thường xuyên cao hơn ngưỡng chẩn đoán: huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp cũng được chẩn đoán là tăng huyết áp. Trước đây, chỉ có những người cao tuổi mới thường rơi vào tình trạng này. Hiện nay, tỷ lệ bị tăng tăng huyết áp đang dần “trẻ hóa” do ảnh hưởng bởi lối sống, sinh hoạt.
Dựa vào chỉ số số trị số huyết áp đo được sau khi đo huyết áp đúng theo quy trình hoặc dựa vào ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp thay đổi tùy theo từng cách đo để xác định huyết áp bao nhiêu là cao. Các ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp như sau: Thứ nhất là, tại phòng khám cán bộ y tế đo đúng quy trình l thì khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg được gọi là tăng huyết áp. Hai là, đo huyết áp bằng máy đo huyết áp Holter 24 giờ (huyết áp được cố định tại tay trong 24 h) thì khi huyết áp tâm thu ≥ 130mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg - được gọi là tăng huyết áp. Ba là tự đo tại nhà, được thực hiện đo đi, đo lại nhiều lần khi có huyết áp tâm thu ≥ 135 mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 85 mmHg- được coi là tăng huyết áp.
Khoảng 90 - 95% các trường hợp tăng huyết áp thường không có nguyên nhân (gọi là tăng huyết áp tiên phát) và có khoảng 5- 10% số người bị tăng huyết áp có nguyên nhân (gọi là tăng huyết áp thứ phát).
Nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp
Nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp bao gồm: Bệnh thận mãn tính, hẹp động mạch chủ bẩm sinh, bệnh này có thể gây ra cao huyết áp ở cánh tay, u hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận; sử dụng thuốc ngừa thai; bệnh của tuyến giáp, có thai, nghiện rượu.
Bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch tại Bệnh viện Bãi Cháy
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân cũng góp phần gây ra tăng huyết áp là:
– Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, thì sẽ càng dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt là chỉ số huyết áp tâm thu, khi huyết áp tâm thu tăng sẽ làm động mạch trở nên cứng hơn, đây là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch.
– Do tiền sử gia đình (di truyền): Khi trong nhà bạn có người bị bệnh cao huyết áp thì bạn cũng sẽ có khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, vì bệnh này có khuynh hướng di truyền theo gia đình.
– Những người thừa cân: Những người béo phì, có nguy cơ bị huyết cao, cao gấp từ 2 đến 6 lần so với những người gầy.
– Do tình trạng kinh tế xã hội: Bệnh tăng huyết áp cũng hay gặp nhiều hơn ở những nhóm người mà có trình độ giáo dục, và kinh tế ở mức thấp.
– Dùng muối: Những người ăn mặn có tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn hẳn so với những người ăn nhạt.
– Sử dụng thuốc tránh thai: Với một số phụ nữ , khi dùng thuốc tránh thai, họ cũng có thể bị tăng huyết áp.
– Dùng thuốc: Dùng thuốc kháng sinh lâu dài không chỉ gây bệnh cho dạ dày, mà còn ảnh hưởng tới cả huyết áp của người dùng. Một số loại thuốc như: amphetamine (thuốc kích thích), hay thuốc giảm cân, các loại thuốc cảm và thuốc dị ứng có thể làm tăng huyết áp.
– Giới tính: Theo thống kê thì nam giới dễ bị mắc bệnh cao huyết áp hơn nữ giới. Tuy nhiên, điều này thay đổi theo tuổi tác, và chủng tộc.
– Lười tập thể dục: những người ngồi chỗ quá lâu, có thể tăng nguy cơ béo phì và tăng huyết áp
– Uống rượu: Bệnh cao huyết áp rất nhạy cảm với những người hay sử dụng rượu bia. Uống đồ uống có cồn làm tăng huyết áp.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng huyết áp ở người trẻ tuổi thường gặp là do bệnh lý mạch máu ở thận (như hẹp động mạch thận bẩm sinh); do bệnh lý ở cơ quan nội tiết (như u tuyến thượng thận, u vỏ thượng thận); do bệnh lý nhu mô thận (như viêm vi cầu thận mãn, suy thận mãn tính…); do bệnh lý về tuyến giáp, nhiễm độc thai nghén; do bệnh lý mạch máu và tim như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ... Ngoài ra hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn mặn, hạn chế vận động thể lực, căng thẳng, béo phì…cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.
Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa tăng huyết áp
Tăng huyết áp ban đầu thường không có triệu chứng, tiến triển thầm lặng, cho nên tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng. Tuy nhiên những trường hợp có triệu chứng thì sẽ có các biểu hiện như: đau đầu, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, mắt nhìn mờ, mất ngủ, chảy máu cam, mặt đỏ, buồn nôn, nôn… Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn mửa; lú lẫn; hồi hộp; đau tức ngực; run.
Tăng huyết áp ảnh hưởng trực tiếp lên mạch máu và tim, làm hỏng thành mạch máu, gây tổn thương tim. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng sau: Bệnh mạch máu ngoại vi; Cơn đau thắt ngực; Nhồi máu cơ tim ( tình trạng nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, làm chết tế bào tim); Nhồi máu cơ tim (là trường hợp cần cấp cứu, thời gian càng lâu tổn thương tim càng lớn); Đột quỵ xuất huyết não (khi mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao; Đột quỵ nhồi máu não (khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn, dẫn đến tế bào não chết đi nhanh chóng). Ngoài ra, tăng huyết áp còn có các biến chứng tổn thương đáy mắt như mờ mắt, xuất huyết và xuất tiết ở võng mạc, phù gai thị dẫn đến mù lòa…
Kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện sớm và điều trị bệnh lý tăng huyết áp
Để phòng bệnh tăng huyết áp chúng ta cần thực hiện lối sống lành mạnh, luôn rèn luyện để giữ được chỉ số huyết áp của mình ổn định trong ngưỡng bình thường, phòng mắc bệnh tim mạch và biến chứng do tăng huyết áp, cụ thể như sau:
- Thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp của mình. Đặc biệt đối với những người trong gia đình có người thân bị cao huyết áp hoặc có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì nên kiểm tra huyết áp thường xuyên ngay từ khi còn trẻ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ trong đó kiểm tra các chỉ số xét nghiệm máu liên quan (VD: đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ.
- Giảm cân nặng (nếu thừa cân).
- Không hút hoặc ngừng hút thuốc lá, thuốc lào.
- Không ăn nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, thức ăn chiên rán ở nhiệt độ cao,…nên thay thế bằng dầu ăn từ thực vật.
- Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn).
- Hạn chế uống rượu bia.
- Tránh lo âu căng thẳng thần kinh, cần thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
- Cần “nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”.
Theo các bác sĩ khuyến cáo, cùng với kiểm tra, theo dõi phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp thì việc thay đổi lối sống, sinh hoạt đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho quá trình điều trị tăng huyết áp đạt hiệu quả tốt và cũng góp phần hữu hiệu trong phòng, chống bệnh tăng huyết áp ngay khi còn trẻ.
Mạc Thảo