Tán sỏi mật qua da cho bệnh nhân sỏi tái phát đã 4 lần phẫu thuật
Mới đây các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bãi Cháy đã tán sỏi mật qua da cho một nữ bệnh nhân đã qua 4 lẫn phẫu thuật mở, nội soi ở các bệnh viện khác nhau.
Bệnh nhân Hoàng Thị.D. 66 tuổi, trú tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh vào viện vì đau bụng hạ sườn phải kèm theo sốt, vàng da. Sau khi tiến hành các thăm dò như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán tắc mật, nhiễm trùng đường mật do sỏi mật tái phát.
Kíp tán sỏi đường mật qua da đang thực hiện tán sỏi với hệ thống DSA.
Vì bệnh nhân có tiền sử mổ
lấy sỏi 4 lần bằng các phương pháp mổ mở và nội soi ở các bệnh viện. Do vậy,
lần này tại Bệnh viện Bãi Cháy bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định tán sỏi mật qua da nhằm
bảo tồn tối đa đường mật, cơ thắt Oddi cũng như giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
Bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp đã thực hiện tán sỏi qua da thành công cho bệnh nhân sau gần một tiếng đồng hồ. Sau 3 ngày tán sỏi, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy khám lại cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hiệp cho biết: Thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành can thiệp tán sỏi mật qua da cho nhiều bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu có tính an toàn và hiệu quả cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh do vết mổ nhỏ (10mm). Trung bình, bệnh nhân được ra viện trong vòng 7 ngày. Trong thời gian nằm viện, các bệnh nhân ít đau, nên có thể ăn uống, vận động sớm nên khâu chăm sóc khá đơn giản.
Sỏi đường mật trong và ngoài gan có thể tán qua da rất hiệu quả bằng rọ cơ học, laser, siêu âm hoặc điện thủy lực. Dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền các bác sĩ sẽ định hướng đường tiếp cận vào ống mật. Sau đó dùng các dụng cụ nọng tạo đường hầm vào đường mật. Qua đường hầm, dưới quan sát trực tiếp của camera nội soi, tiếp cận sỏi mật và tiến hành tán, lấy sỏi mật trong và ngoài gan.
Kíp tán sỏi đường mật qua da đang thực hiện tán sỏi cho bệnh nhân.
Phương pháp này vẫn có thể
được chỉ định với các trường hợp không thể phẫu thuật hoặc nội soi ngược dòng
lấy sỏi. Có thể tiến hành can thiệp đối với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý
toàn thân phối hợp hoặc các bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật (gây
dính, khó khăn khi mổ lại).
Sỏi mật có thể gây một số
các biểu hiện chính, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa gan mật ngay khi thấy
triệu chứng: Đau tức vùng dưới sườn phải, vàng da, chán ăn, ngứa, sốt, tiểu
vàng đặc, phân bạc màu.
Một số trường hợp sỏi để
lâu gây tắc nghẽn đường mật sẽ gây một số biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng
đường mật, áp xe gan đường mật, sốc mật, viêm tụy cấp… đe dọa tính mạng của
bệnh nhân.
Trong giai đoạn mới hình
thành, sỏi mật không có biểu hiện gì đặc biệt, do đó siêu âm ổ bụng và khám sức
khỏe định kỳ hàng năm là việc nên làm, không chỉ riêng đối với bệnh sỏi mật.
Bác sĩ chuyên khoa có thể phát hiện dễ dàng được sỏi đường mật và các tổn
thương khác qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhằm đánh giá sâu hơn về
hình thái sỏi, mức độ tổn thương gan, đường mật và các bệnh lý khác kèm theo.
Đối
với các bệnh nhân đã có tiền sử sỏi mật, nên siêu âm định kỳ 6 tháng/ lần để
phát hiện sỏi tái phát, tránh trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm hoặc điều trị
khó khăn tốn kém.
Minh Khương