Bệnh viện Bãi Cháy: “Tinh thần thép, Trái tim nhân ái, Trách nhiệm sứ mệnh” của điều dưỡng khoa cấp cứu
Giây phút cửa phòng Cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy khép lại là thời điểm bắt đầu cuộc chiến căng go giành giật từng hơi thở sự sống cho người bệnh. Nơi đây, những bác sĩ, điều dưỡng vẫn hằng giờ âm thầm, nỗ lực chăm sóc, điều trị cho người bệnh với tinh thần tận tụy yêu nghề và trách nhiệm sứ mệnh nghề nghiệp.
Tinh thần thép, sự tỉnh táo cao độ và trái tim nhân ái
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy – nơi ánh đèn không bao giờ tắt được ví như “trái tim” của bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và xử trí các ca bệnh trong tình trạng nguy kịch nhất. Tại đây, thời gian mỗi giây trôi qua mang theo sự khẩn trương, những quyết định nhanh chóng, tức thì. Số lượng bệnh nhân cấp cứu đông từ 80-100 bệnh nhân/ngày, những ngày cao điểm lên tới 100 – 150 bệnh nhân/ngày với đa dạng các bệnh lý (đột quỵ, tai biến mạch máu não, chấn thương, tai nạn giao thông…). Áp lực của người điều dưỡng công tác tại Khoa cấp cứu vì thế nhân lên nhiều lần. Họ phải đối mặt với không ít ca bệnh phức tạp, nguy kịch, thời gian làm việc căng thẳng, thậm chí phải trải qua những bữa ăn vội vã hay những giấc ngủ chập chờn.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy – nơi ánh đèn không bao giờ tắt được ví như “trái tim” của bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và xử trí các ca bệnh trong tình trạng nguy kịch nhất
Điều dưỡng Lã Văn Hướng – Phụ trách vị trí Điều dưỡng trưởng Đơn nguyên Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ: “Áp lực đến từ cường độ công việc, sức nặng tâm lý. Có lúc chúng tôi vừa hồi sức cấp cứu cho một bệnh nhân ngừng tim, chưa kịp ngơi nghỉ thì lại có một ca tai nạn giao thông nặng vào tiếp… Guồng công việc hối hả có lúc các đồng nghiệp của tôi ăn uống vội vàng, luôn chân luôn tay chăm sóc người bệnh trong suốt ca trực. Lòng thương bệnh nhân, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của người điều dưỡng thôi thúc chúng tôi nỗ lực công tác, gắn bó, thêm yêu những giá trị công việc mang lại mỗi ngày”.
Mỗi ca trực của điều dưỡng Khoa Cấp cứu đều là những thử thách không đoán trước. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đôi khi chỉ cách ranh giới sinh tử một hơi thở. Điều dưỡng không chỉ làm chủ kỹ thuật chuyên môn mà còn cần tinh thần thép, sự tỉnh táo cao độ và trái tim nhân ái. Họ là người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện các thao tác cấp cứu cơ bản. Là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trên cuộc chạy đua cùng thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh, người điều dưỡng luôn phải duy trì sự tỉnh táo, bình tĩnh trong mọi tình huống khẩn cấp, thao tác công việc chuyên môn chuẩn xác, phối hợp nhịp nhàng với bác sĩ để đưa ra quyết định cứu sống người bệnh.
“Công việc của điều dưỡng tại khoa Cấp cứu không chỉ phải thực hiện các nhiệm vụ giao tiếp, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân mà còn cần sự phản ứng nhanh, phối hợp khẩn trương, chính xác với bác sĩ trong từng tình huống xử trí cấp cứu, đặc biệt với các ca bệnh nguy kịch như ngừng tuần hoàn, đa chấn thương nặng, đột quỵ, tai nạn giao thông phức tạp… Mọi thao tác đều phải thành thạo, nhanh và chính xác tuyệt đối – từ đặt đường truyền, xử lý sốc phản vệ, hồi sức tim phổi, đến theo dõi các chỉ số sinh tồn từng phút…Sự căng thẳng, áp lực, cường độ làm việc cao và tính chất không ngừng nghỉ là điều không thể tránh khỏi.” - Điều dưỡng Lã Văn Hướng – Phụ trách vị trí Điều dưỡng trưởng Đơn nguyên Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết.
Điều dưỡng không chỉ làm chủ kỹ thuật chuyên môn mà còn cần tinh thần thép, sự tỉnh táo cao độ và trái tim nhân ái
Những ca trực xuyên đêm, những giờ phút căng thẳng khi cùng bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân, những giọt mồ hôi thấm ướt áo blouse… là minh chứng cho sự tận tụy hy sinh không lời của họ. Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, áp lực tâm lý, thiếu ngủ kéo dài, nhưng chưa bao giờ họ lùi bước. Bằng lòng yêu nghề, tình thương với bệnh nhân, những người điều dưỡng Khoa Cấp cứu luôn là điểm tựa vững chắc trong hành trình phục hồi sự sống. Khoảnh khắc một bệnh nhân tỉnh lại sau nỗ lực cấp cứu hồi sức, nụ cười của người thân khi bệnh nhân khi vượt qua cửa tử là niềm hạnh phúc của mỗi bác sĩ, điều dưỡng Khoa cấp cứu. Ánh mắt cảm ơn hay cái siết tay thật chặt đầy trân trọng là động lực để những người điều dưỡng tiếp tục cống hiến, vượt qua cơn mệt mỏi từ những đêm trắng chiến đấu với tử thần.
Điều dưỡng Đoàn Thị Lý – Đơn nguyên Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ: “Không gì có thể so sánh được với cảm giác khi chứng kiến một bệnh nhân ngừng tim được hồi sinh, khi chỉ vài phút trước đó họ còn đang ở lằn ranh của sự sống và cái chết. Có những ca bệnh khiến tôi nhớ mãi. Một lần cấp cứu cho một bệnh nhân trẻ bị tai nạn giao thông, đa chấn thương, huyết áp tụt, nhịp tim gần như không còn. Chúng tôi vừa hồi sức, vừa truyền dịch, phối hợp với bác sĩ xử lý cấp tốc từng biến chứng. Sau gần một giờ, mạch bệnh nhân đập trở lại. Cứu được một người là giữ lại cả một mái ấm. Những khoảnh khắc tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi nỗ lực làm tốt công việc mỗi ngày.”
Nâng cao trình độ, phục vụ nhân dân bằng sự tận tâm- chuyên nghiệp
Để trở thành người điều dưỡng vững y đức, chuyên môn đòi hỏi quá trình rèn luyện, học tập không ngừng nghỉ từ trường học đến cơ sở y tế. Điều dưỡng viên cấp cứu phải thường xuyên củng cố, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là giữ gìn y đức – cái gốc của người làm nghề y.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu đề cao tinh thần học tập, tích cực, chủ động sáng tạo, tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng bệnh viện. Từ năm 2023-2024, các điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu đã tham gia nghiên cứu khoa học và có 02 đề tài khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu, đánh giá cao về giá trị ứng dụng thực tiễn gồm “Nâng cao kiến thức kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp của điều dưỡng trực tại khoa cấp cứu bệnh viện bãi cháy (2023)”, “Nâng cao chất lượng phân loại người bệnh cấp cứu tại đơn nguyên cấp cứu bệnh viện Bãi cháy (2024)”.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu đề cao tinh thần học tập, tích cực, chủ động sáng tạo, tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng bệnh viện
Bệnh viện Bãi Cháy là bệnh viện đa khoa hạng I phát triển năng động tại tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận thăm khám từ 1000-1300 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Không chỉ ưu tiên phát triển đổi ngũ bác sĩ trình độ cao, giàu kinh nghiệm, những năm qua Ban lãnh đạo Bệnh viện Bãi cháy luôn quan tâm phát triển đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh vững vàng về y đức và trình độ chuyên môn, tận tâm - chuyên nghiệp trong phong cách ứng xử, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.”
Điều dưỡng CKI Hà Thị Dung – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Hằng năm, Ban Giám đốc chỉ đạo Chi hội điều dưỡng Bệnh viện chú trọng tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cấp cứu – hồi sức tích cực cho đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh. Nhiều lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn, chăm sóc bệnh nhân thở máy…được tổ chức không chỉ dành riêng cho các điều dưỡng viên công tác ở lĩnh vực cấp cứu – hồi sức.
Bên cạnh đó, Chi hội điều dưỡng luôn tích cực động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các điều dưỡng viên phát huy tinh thần sáng tạo, tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở, cấp tỉnh, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của điều dưỡng trong công tác chăm sóc, điều trị hiệu quả cho nhân dân. Thông qua thực hành nghiên cứu khoa học, đội ngũ điều dưỡng viên có thể tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, khắc phục những sai sót y khoa, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, và mục tiêu cuối cùng là hướng tới lợi ích, sức khỏe của người bệnh.”
Đơn nguyên Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực – nơi “ngọn đèn” của sự sống vẫn luôn rực sáng nhờ nỗ lực âm thầm, tận tụy lao động của những người điều dưỡng. Bệnh viện Bãi Cháy tự hào có đội ngũ điều dưỡng giàu y đức, vững chuyên môn và luôn hết lòng vì người bệnh. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, từ Phòng Cấp cứu đến các khoa điều trị nội trú, ngoại trú, những người điều dưỡng luôn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, trái tim nhân ái và tinh thần trách nhiệm cao cả. Những đóng góp âm thầm nhưng vô cùng to lớn của họ đã và đang nối dài sự sống, củng cố niềm tin và uy tín vững chắc cho Bệnh viện Bãi Cháy trong lòng người dân Quảng Ninh và du khách.
Mạc Thảo