Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca, bệnh tay chân miệng vẫn là thách thức lớn

  • 2024/12/19 00:50

Dù số ca bệnh tay chân miệng trong năm 2024 đã giảm so với các năm trước, nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và đe doạ tới trẻ em trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh chiến lược kiểm soát dịch bệnh và phát triển vaccine để bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ.

Ngày 18/12, Viện Pasteur TPHCM tổ chức hội thảo với chủ đề "Chiến lược và giải pháp tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng tại Việt Nam".

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhấn mạnh, dù ngành y tế đã đạt được những bước tiến trong phòng ngừa và điều trị bệnh tay chân miệng, nhưng căn bệnh này vẫn là thách thức lớn. Hằng năm, Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca bệnh, trong đó nhiều ca nặng và tử vong.

"Đợt bùng phát năm 2023 là minh chứng cho gánh nặng kéo dài của bệnh tay chân miệng, đặc biệt với trẻ em – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bệnh không những gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà còn tạo áp lực lớn về mặt y tế, kinh tế và xã hội", Viện trưởng Nguyễn Vũ Trung nhận định.

Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca, bệnh tay chân miệng vẫn là thách thức lớn- Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 76.371 ca tay chân miệng, tập trung nhiều nhất ở khu vực phía Nam như TPHCM, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp. Dù số ca mắc đã giảm so với năm trước, nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm tháng 5-6 và 9-10.

Phân tích về sự nguy hiểm của bệnh, Tiến sĩ Trần Đại Quang - Phó trưởng Phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế Dự phòng - cho biết: "Virus EV71 – tác nhân chính gây bệnh tay chân miệng nặng – đã liên tục biến đổi, khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn. Đặc biệt, 80% các ca nặng đều liên quan đến virus này, với các phân nhóm C4 và B5 được xác định là nguy cơ cao gây tử vong".

Chia sẻ về thực tế điều trị, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhấn mạnh, các đợt bùng phát mạnh khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ riêng năm 2023, tỷ lệ mắc tay chân miệng tại khu vực phía Nam là 229/100.000 dân, trong đó 23% các trường hợp thuộc nhóm bệnh nặng.

Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca, bệnh tay chân miệng vẫn là thách thức lớn- Ảnh 2.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, việc điều trị chủ yếu dựa trên triệu chứng, đòi hỏi các giải pháp chiến lược mạnh mẽ để giảm thiểu tác động từ các đợt bùng phát.

Tại hội thảo, các chuyên cho rằng, việc phát triển và triển khai vaccine phòng tay chân miệng, đặc biệt đối với virus EV71 là chìa khóa để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: "Đưa vaccine EV71 vào chương trình tiêm chủng không chỉ giúp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này mà còn giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế công cộng. Đây là bước tiến quan trọng, giúp bảo vệ trẻ em".

Tính từ ngày 09/12 - 15/12 (tuần 50), TPHCM cũng ghi nhận 191 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 27,4% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 16.367 ca.

Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và Quận 8.

Trong tuần 50, TPHCM ghi nhận thêm 613 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 15,7% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 14.865 ca.

Đồng thời, ghi nhận thêm 373 ca sởi (tăng 29,0% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 3.189 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.

Theo SKĐS